Học cách làm báo của Bác Hồ
Tôi được cử đi học tại
trường Nguyễn Ái Quốc ở rừng Việt Bắc (năm 1950). Trong một buổi Bác đến thăm
trường, có nhiều việc đáng ghi nhớ, trong đó tôi ghi lại mấy mẩu chuyện có liên
quan đến nghề nghiệp của mình.
Bác chỉ tay về phía
một đồng chí lãnh đạo cấp khu:
- Chú làm công tác gì,
ở đâu?
Đồng chí đó đứng dậy
ấp úng vì xúc động, tay đưa lên gãi tai.
Bác hỏi:
- Giữa Bác và chú,
trách nhiệm khác nhau và giống nhau thế nào?
- Thưa Bác, Bác là Chủ
tịch nước, còn cháu là...
- Chú nói mới đúng một
phần. Chú là Chủ tịch ở cấp nào, cán bộ tuyên huấn, là người viết báo, viết văn
hay làm bất cứ công tác gì, cũng đều có trách nhiệm giống nhau. Đó là hết lòng,
hết sức phục vụ nhân dân, không được ban chức, cậy quyền, Bác và chú đều là
công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Vì vậy chú phải đàng hoàng, không tự coi mình
là nhỏ bé về chức tước mà phải gãi tai như thế.
Bác lại hỏi:
- Có chú nào viết báo,
viết văn không?
- Thưa có.
Bác nói ngay:
- Các chú phải nhớ là
viết cho ai, viết cái gì, nhằm mục đích gì. Phải viết cho dân hiểu để dân làm,
phải nghe lời phê bình hàng ngày của dân. Đừng cậy mình nhiều chữ rồi dài dòng
văn tự, chẳng ai hiểu các chú nói và viết cái gì, rồi lại cho là "đàn gẩy
tai trâu". Ai nói và viết mà dân không hiểu thì người đó là trâu.
Đương nhiên, điều mà
tôi tâm niệm suốt đời không phải chỉ là những điều Bác dạy về nghề nghiệp đơn
thuần. Điều lớn hơn, bao trùm hơn trong lời dạy của Bác, là mục đích của nghề
nghiệp, là trách nhiệm với dân, với nước của người làm báo cách mạng.
(Trích nguồn: cuốnHọc tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Nxb Thanh
Niên, năm 2007)