BÀI TUYÊN TRUYỀN QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH
BÀI TUYÊN TRUYỀN
QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH
Quyền tham gia của trẻ em vào quá
trình ra quyết định Các quyền được tham gia của trẻ em vừa phản
ánh một trong những nguyên tắc bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em, đó là
tôn trọng trẻ em với tư cách con người và công dân, vừa là một nhóm quyền cần
được nghiên cứu sâu sắc hơn, nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức để các quyền
cụ thể trong nhóm quyền này được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống, bài viết
này, xin được đề cập về quyền được tham gia của trẻ em vào các quá trình ra
quyết định có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống trẻ em và đáp ứng
các quyền của trẻ em, đặc biệt trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách,
pháp luật.
QUYỀN
THAM GIA VÀ VAI TRÒ CỦA TRẺ EM TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI
Công ước Liên
hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) thừa nhận các quyền của trẻ em được bày tỏ quan
điểm về những vấn đề có liên quan tới các em và quyền được mọi người lắng nghe
những quan điểm này. Các quyền này nếu được thực hiện đầy đủ sẽ tạo cơ hội cho
trẻ em được thực hiện quyền chính trị, xã hội của mình, trong mối tương quan
với các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế.
Tuyên bố Toàn
cầu về quyền Con người năm 1948 công nhận mọi người đều có quyền có những ảnh
hưởng chính trị nhất định: “Mọi người đều có quyền tham gia vào công việc của
nhà nước mình, trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do chọn lựa”.
Tuyên bố này không đặt trẻ em vào ngoại lệ, như vậy trẻ em được bao gồm trong
“mọi người”. Sự bao gồm này cũng đồng thời thừa nhận quyền tự do cá nhân có
điều kiện của trẻ em, rằng mỗi đứa trẻ có đặc thù riêng và có giá trị tự thân
riêng, với tư cách là một con người. Đáng lưu ý hơn khi trong thực tại, trẻ em
luôn chiếm từ hơn 20% đến xấp xỉ một nửa dân số của các quốc gia.
Do trẻ em không
được tham gia bầu cử nên quyền chính trị của trẻ em mặc nhiên bị quên lãng,
trong đó có cả các quyền được bày tỏ và được lắng nghe trong các quá trình xây
dựng và ban hành chính sách, pháp luật nói riêng và công tác quản lý nhà nước
nói chung. Sự lãng quên này bao gồm cả việc quy định quyền chính trị của trẻ em
và cách thức cụ thể thực hiện quyền này trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Các quyền tham
gia của trẻ em với vai trò là nguyên tắc và quyền xuyên suốt được thể hiện
trong nhiều quyền khác của CRC. Tuy nhiên, kim chỉ nam cho các quyền tham gia
được quy định tập trung hơn trong Điều 12, khoản 1: “Các quốc gia thành viên
phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình,
được quyền tự do bày tỏ những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng
đển trẻ em, những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích ứng
với độ tuổi và độ trưởng thành của trẻ em.”
Quan điểm và quy
định này đòi hỏi trước hết Chính phủ có trách nhiệm và chủ động để người lớn
nói chung, những người phục vụ trong bộ máy nhà nước nói riêng, luôn tìm hiểu
và cân nhắc ý kiến của trẻ em trong mọi vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của
các em. Trách nhiệm này được áp dụng cho cả trẻ em nói chung cũng như trường
hợp cá nhân một đứa trẻ. Nhìn ở góc độ quy mô và cơ cấu dân số thì hầu hết các
quyết định của Chính phủ, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều có các mức độ
ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em. Có thể những ảnh hưởng ít được
nhận thấy rõ ràng hơn thuộc các quyết định về kinh tế, hạ tầng cơ sở, quốc
phòng.
Để trẻ em trở
thành những công dân có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng, đồng thời với
việc phát hiện, đào tạo các tiềm năng của mỗi đứa trẻ, cần khuyến khích trẻ lên
tiếng về mọi vấn đề mà trẻ nhận thức được. Thực tế cho thấy, năng lực tham gia
của trẻ nếu được tạo điều kiện trên nguyên tắc tôn trọng trẻ thường vượt trên
sự đánh giá và mặc định của người lớn. Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
định kỳ hàng năm tổ chức gặp đại diện trẻ em của thành phố để lắng nghe ý kiến
các em, trao đổi về các vấn đề của trẻ em và của thành phố. Được coi như “phiên
họp thứ ba” hàng năm, Hội đồng nhân dân thành phố đã cùng trẻ em thảo luận
những vấn đề ô nhiễm, an toàn giao thông, trật tự đô thị…Những ý kiến của các
em được ghi nhận và đã đi vào các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, trong đó có
Nghị quyết về tổ chức “Năm vì trẻ em” của thành phố. Ví dụ trên đây cho thấy,
trẻ em có thể có ảnh hưởng chính trị, xã hội và có thể tham gia vào các chương
trình nghị sự có tính chính trị.
Năng lực tham
gia của trẻ em không chỉ phụ thuộc vào “độ tuổi trẻ em” theo quy luật phát
triển tự nhiên của con người. “Độ trưởng thành” về xã hội của trẻ em còn phụ
thuộc vào mức độ đáp ứng các quyền khác như đi học, tham gia đời sống văn hóa,
tín ngưỡng tôn giáo, bí mật cá nhân; phụ thuộc rất trực tiếp vào các quyền ngôn
luận, hội họp, kết giao, tiếp cận thông tin đại chúng.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRẺ EM
THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH
Một câu hỏi đặt
ra là: Quyền về chính trị được thể hiện thông qua các quyền tham gia của trẻ em
sẽ được thực hiện thế nào khi trẻ em không có đại diện trực tiếp trong các cơ
quan ra quyết định chính thức ở cấp trung ương cũng như địa phương, khi trẻ em
không có quyền bầu cử?
Câu trả lời cũng
là câu hỏi tiếp theo là: Làm thế nào để quan điểm, nguyện vọng, sáng kiến của
trẻ em tới được các cơ quan ra quyết định một cách dân chủ và trung thực?
Để trẻ em có thể
tham gia vào các quá trình ra quyết định một cách dân chủ theo phương thức: “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì quyền tham gia của trẻ em phải được
thể chế hóa thông qua: các quy định pháp luật, cơ chế hoạt động của các tổ chức của trẻ em, quy chuẩn các
hoạt động có sự tham gia của trẻ em.
Các cơ quan nhà
nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và truyền thông đại chúng đều là
các môi trường khuyến khích sự tham gia của trẻ em nói chung và vào các quá
trình ra quyết định nói riêng.
Quốc hội
Khi thực hiện
các chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các chính sách lớn của
quốc gia, Quốc hội cần thực hiện nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, không
chỉ trong các chương trình nghị sự, các nghị quyết tác động trực tiếp đến trẻ
em (y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em…) mà có thể còn trong hầu hết
các quyết định khác (thuế, quy hoạch, phân bổ ngân sách…) để đảm bảo trẻ em
không bị đặt sau mọi việc khi các em là công dân chiếm hơn 30% dân số hiện tại và là nguồn nhân lực tương lai mang lại
sự phát triển bền vững của quốc gia.
Quốc hội và
Thường vụ Quốc hội trong các phiên họp, các cơ quan của Quốc hội và các đại
biểu Quốc hội trong công tác của mình có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên
quan thực hiện hoặc trực tiếp thực hiện việc tiếp xúc, lắng nghe, chuyển tải và
cân nhắc ý kiến của trẻ em trước khi ra các quyết định.
Chính
phủ và các bộ
Các quyết định
và chính sách do Chính phủ và các bộ ban hành, tổ chức và thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện có tác động trực tiếp đến sự sống còn, phát triển hài hòa, được
bảo vệ an toàn của mọi trẻ em. Không những thế, trẻ em còn chịu tác động của sự
thay đổi trong cộng đồng, gia đình do các chính sách cụ thể và quyết định hành
chính tạo ra. Chính phủ và các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn đề xuất và đóng
vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo luật pháp, chính sách; khởi xướng các mô
hình, đưa ra quy chuẩn không chỉ trong khu vực công cộng mà còn cho toàn xã
hội. Thêm nữa, Chính phủ và các bộ còn có thẩm quyền điều chỉnh bộ máy và nội
dung họat động của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị trực thuộc để đạt
tới hiệu quả quản lý xã hội ngày càng cao.
Trong các hoạt
động và quy trình nói trên cần phải tạo được cơ chế tham vấn, cân nhắc ý kiến
của người dân, đặc biệt các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp, trong đó có
trẻ em, để đảm bảo nguyên tắc vận hành của một Nhà nước của dân, do dân và vì
dân. Quan điểm, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em cũng cần được phản ánh trong
công tác thu thập số liệu và các nghiên cứu tiền khả thi. Cần tiến hành việc
phân tích tác động của các chính sách lớn và phân bổ ngân sách, nhân lực đến
cuộc sống của người dân mà trong đó trẻ em là một hợp phần tất yếu. Trong các
đánh giá này, ý kiến của trẻ em cần được thu thập và cân nhắc.
Để thực hiện có
hiệu quả các chính sách và quyết định hành chính có liên quan, có tác động đến
trẻ em, để các vấn đề trẻ em không bị bỏ sót hoặc lãng quên, cần phải thiết lập
cấu trúc tổ chức và cơ chế điều phối và giám sát liên bộ. Cơ cấu tổ chức này
cũng đồng thời có vai trò và quyền hạn trong việc khuyến khích, yêu cầu các bộ
trung ương, các cấp chính quyền địa phương định kỳ hoặc đột xuất tham vấn, tiếp
nhận và xem xét ý kiến trẻ em và giám sát luôn những hoạt động này.
Hội đồng
Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp
Xu hướng phân
cấp, phân quyền trong hệ thống quản lý nhà nước làm cho các quyết định và chính
sách ở cấp địa phương có tác động mạnh mẽ hơn đến đời sống trẻ em. Thêm nữa, cơ
quan quản lý nhà nước địa phương lại là nơi hoạch định, ban hành và đôn đốc
thực hiện các kế hoạch kinh tế xã hội ngắn hạn và hàng năm. Do đó, mức độ lồng
ghép và thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trong kế hoạch kinh tế xã hội địa
phương cũng như trong kế hoạch ngành tùy thuộc nhiều vào nhận thức về vị trí,
vai trò của trẻ em và thực hiện quyền trẻ em của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và
tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Xu hướng phân
cấp, phân quyền có thể ít nhiều dẫn đến sự bất bình đẳng trong hưởng thụ thành
quả phát triển của trẻ em giữa các địa phương nhưng lại tạo ra cơ hội tham gia
trực tiếp hơn của trẻ em vào quá trình hoạch định chính sách, phân bổ nguồn
lực, quy hoạch đất đai cũng như các dịch vụ và phúc lợi xã hội khác. Ở cấp địa
phương, có thể tổ chức đối thoại trực tiếp với nhóm trẻ em chịu tác động và
hưởng lợi hoặc thông qua đại diện trẻ em. Tuy nhiên, khi việc tham vấn trẻ em
trong xây dựng và ban hành quyết định chưa được luật định thì hoạt động này vẫn
còn phụ thuộc vào ý chí và nhận thức của
lãnh đạo chính quyền và còn có tính nhất thời.
Đội
thiếu niên tiền phong
Hệ thống tổ chức
Đội TNTP Hồ Chí Minh hiện nay là môi trường lý tưởng để trẻ em là đội viên thực
hiện quyền tham gia của mình. Đội là tổ chức chính trị- xã hội của trẻ em được
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách. Hầu hết học sinh ở bậc trung học cơ
sở và trung học phổ thông là đội viên hoặc đoàn viên. Tuy nhiên, Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh chưa quy định cụ thể về nội dung thực hiện quyền tham gia của
trẻ em là đội viên, chỉ ghi chung “thực hiện quyền và bổn phận theo Luật Bảo
vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Để Đội TNTP HCM
thực sự là tổ chức thực hiện quyền tham gia, đặc biệt tham gia vào quá trình ra
quyết định cần phải quy định cụ thể hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nội
dung hoạt động của tổ chức Đội và đội viên trong Điều lệ Đội và trong Luật
BVCSGDTE. Phương thức hoạt động của Đội cần đổi mới để phát huy tính chủ động,
sáng tạo của đội viên. Các nội dung công tác, phong trào thiếu niên nhi đồng do
Đội làm nòng cốt cần phải được tham vấn trẻ em một cách rộng rãi. Trong Hội
đồng Đội ở trung ương và các cấp cần có đại diện đội viên được trẻ em bầu chọn
để đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em trong việc điều hành công tác
Đội và phong trào thiếu niên, nhi đồng.
Các tổ
chức xã hội
Các tổ chức xã
hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền và lợi ích của trẻ em đang phát
triển đa dạng về lĩnh vực, rộng rãi về địa lý và cấp độ (địa phương, quốc gia,
khu vực và toàn cầu). Bên cạnh các tổ chức xã hội của người lớn hoạt động vì
trẻ em đã xuất hiện xu hướng mạnh mẽ các nhóm, câu lạc bộ của trẻ em được hình
thành. Các nhóm, câu lạc bộ trẻ em này trực thuộc, được quản lý và hướng dẫn
bởi một tổ chức xã hội hoặc một đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ công ích
(trường học, nhà thiếu nhi, tòa soạn báo, đài phát thanh- truyền hình…).
Do tính chất mềm
dẻo về cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động mang tính tình nguyện cao nên các
tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm trẻ có sức thu hút nhất
định đối với những trẻ em năng động, ham thích hoạt động xã hội, hoạt động từ
thiện. Đây cũng là những địa chỉ tổ chức nhiều diễn đàn, hoạt động thông tin-
báo chí và cung cấp các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Tuy nhiên do thiếu quy
định pháp luật cho các tổ chức và hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em
nên thông điệp, ý kiến của trẻ em đưa ra thông qua kênh này thường thiếu sức
nặng, chậm được phản hồi.
Trường
học
Để thực hiện đầy
đủ quyền tham gia của mình, cá nhân mỗi trẻ em cần có kỹ năng làm việc nhóm bao
gồm lắng nghe, thuyết trình, chia sẻ thông tin, chọn lựa và phân tích thông
tin. Những phương pháp giảng dạy có sự tham gia của học sinh, tôn trọng và
tương tác với học sinh không những mang lại kết quả giáo dục tốt mà còn hình
thành trong trẻ kỹ năng đối thoại, chia sẻ ý kiến và tư duy phân tích. Trẻ học
được cách tư duy độc lập và giải quyết vấn đề, đặc biệt trong những trường hợp
có đối nghịch về quan điểm và lợi ích để có thể cân nhắc, lập luận và cân đối,
làm hài hòa các khác biệt.
Hầu hết trẻ em
trong độ tuổi đi học đều được đến trường nhưng đa số các em không được học
những điều đó ở trường học do phương pháp giáo dục áp đặt, một chiều, phụ thuộc
quá nhiều vào giáo trình, thuộc lòng và thi cử. Cách cư xử lấn át, cách ra
quyết định của ban giám hiệu, giáo viên mà không tham vấn, thăm dò ý kiến học
sinh đã làm trẻ mất tự tin, không còn khả năng suy nghĩ độc lập, phân tích và
sáng tạo.
Thực hiện phong
trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trước hết cần bắt đầu từ tạo cơ
hội và điều kiện cho học sinh tham gia vào việc ra quyết định trong trường học,
lớp học; sử dụng nhiều hơn các tiết học dưới hình thức hội thảo; thúc đẩy sự
chọn cử dân chủ và luân phiên lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng và các chức danh
chỉ huy Đội TNTP. Các hoạt động tham gia của học sinh không chỉ giới hạn trong
các hoạt động ngoại khóa, giải trí mà phải dần thẩm thấu vào phương pháp giáo
dục, kỹ năng sư phạm, quy chế bậc học và nội quy trường học.
Nếu quyền tham
gia của trẻ em được tiên phong thực hiện trong môi trường học đường thì mỗi
trường học sẽ là một đơn vị cung cấp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vào quá
trình phát triển chính sách và ra quyết định của chính quyền địa phương và của
các bộ, của Chính phủ. Những trường học áp dụng phương pháp giáo dục tương tác,
có sự tham gia của học sinh chắc chắn sẽ có kết quả giáo dục cao, đào tạo được
những mẫu công dân hiện đại, thích nghi với yêu cầu phát triển và hội nhập của
đất nước.
Gia đình
Gia đình được
ghi nhận là môi trường trước hết, không thể thay thế về trách nhiệm, chức năng
và khả năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Một quyết định được đưa ra và
được thực hiện trong gia đình không chỉ ảnh hưởng tức thì đến trẻ mà còn hình
thành ở trẻ cách hiểu và lắng nghe người khác cũng như cách giải quyết các xung
đột về lợi ích.
Trong nhiều điều
kiện văn hóa và tập quán truyền thống, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái và trẻ
nhỏ không được có ý kiến về những vấn đề trong gia đình. Cho dù các em có thể
đóng góp công sức vào thu nhập gia đình thì vẫn không được tham gia vào quyết
định sử dụng nguồn thu nhập đó. Ngay cả những việc hệ trọng của trẻ em như đi
học ở đâu, chọn nghề nghiệp nào, chọn đồ chơi hay cách giải trí gì…trẻ cũng bị
áp đặt mà không được tham gia bàn bạc, thậm chí không được cha mẹ và người lớn
giải thích.
Khi gia đình có
những thay đổi về quy mô và chức năng trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp
hóa thì trẻ em lại được giao quyền tự chủ mà thiếu hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ
thường xuyên. Ví dụ ở các gia đình đơn thân, ly hôn hoặc bố, mẹ đi làm xa nhà,
trẻ phải một mình tự thu xếp các điều kiện ăn, ở; trẻ sử dụng phần lớn thời
gian trong ngày ở trường hoặc vào ở trong các trường học bán trú, nội trú.
Trong các trường hợp này trẻ tự ra quyết định vượt quá mức độ trưởng thành của
mình và có nguy cơ cao gặp các rủi ro. Mấu chốt của việc gia đình tạo điều
kiện để trẻ tham dự vào việc ra quyết định hoặc giải quyết các vấn đề của gia
đình trước hết ở thời gian cha mẹ dành cho trẻ và cách mà cha mẹ chuyện trò, cư
xử với trẻ.
Các
phương tiện thông tin đại chúng
Trẻ em có quyền
tiếp cận những thông tin phù hợp với lứa tuổi. Cũng như những công dân khác,
các em có quyền được biết về hoàn cảnh và những biến cố đang xảy ra xung quanh
mình. Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong thực hiện
quyền này. Chính phủ có trách nhiệm trong việc thiết lập những kênh thông tin
công cộng dành cho trẻ em bao gồm hai loại thông tin cơ bản: (i) thông tin cập
nhật có liên quan đến nhiều người (kiểu các chương trình thời sự, bản tin dành cho trẻ em) và (ii) các chương
trình phù hợp với từng độ tuổi trẻ em.
Các phương tiện
thông tin đại chúng cũng có vai trò quan trọng và trách nhiệm phổ biến ý kiến
của trẻ em đến công chúng. Trách nhiệm này được thực hiện chủ yếu qua hai
phương thức: (i) đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kỹ năng làm việc với trẻ
và tạo ra các sản phẩm truyền thông, thông tin phản ánh trung thực ý kiến của
trẻ và (ii) trẻ em tham gia trực tiếp vào việc tạo ra sản phẩm truyền thông,
thông tin hay trưng cầu ý kiến của trẻ em, bình luận những vấn đề trẻ em quan
tâm. Các mô hình Câu lạc bộ phóng viên nhỏ hiện nay thực hiện phương thức thứ
hai hơn là việc tạo ra những nhà báo chuyên nghiệp tương lai.
Sự phát triển kỳ
diệu của công nghệ thông tin đã tạo ra các cơ hội khai thác thông tin và thực
hiện quyền tham gia rộng lớn hơn, nhanh nhạy hơn cho trẻ em. Nhưng những nhà
quản lý thông tin truyền thông, những người làm báo chí, những nhà sản xuất hay
cung cấp dịch vụ mạng và viễn thông cần có nhận thức về tính hai mặt của thế
giới mạng và truyền thông “không biên giới” đối với trẻ em. Mặt tiêu cực của
thông tin truyền thông trong “thế giới phẳng” chính là sự gia tăng các nguy cơ
xâm hại, lạm dụng trẻ em qua mạng cũng như tác động của bạo lực, khiêu dâm và tự
do bày tỏ đến mức phi đạo đức, vi phạm pháp luật.
Cho phép trẻ em
tham gia vào công việc của cộng đồng, xã hội và Nhà nước không bao giờ là quá
sớm. Trẻ em yêu thích và quan tâm những vấn đề chính trị, xã hội càng rộng lớn
thì trách nhiệm công dân của các em càng được định hình vững chắc. Trải nghiệm
tham gia vào các quá trình ra quyết định và chấp hành các quyết định sẽ gieo
vào mỗi đứa trẻ, cũng là mỗi công dân trẻ tuổi, ý thức chia sẻ, trách nhiệm
gánh vác và tinh thần tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội.